Friday, November 29, 2019

Cam chịu phận bánh cam

Mỗi lần nghe tiếng rao “Bánh cam đây mấy anh mấy chị ơi” trong một con hẻm ba xuyệc ở quận Tư tự nhiên thấy lòng nao nao. Tiếng rao sao mà uỷ khúc, cam chịu. Tiếng rao đầy sắc thái của một thứ bánh hầu như đã bặt tăm trong thời tuổi thơ của tuổi thơ bây giờ.
Bánh cam với vỏ ngoài làm bằng bột nếp trộn bột gạo chiên ngập dầu vừa dẻo vừa dai vừa dòn. Có nơi, làm theo kinh nghiệm dân gian, còn trộn thêm khoai lang luộc chín giả mịn để giữ cho bánh dòn lâu. Tại sao khoai lang tạo độ dòn lâu? Chịu.

Bánh cam, một thứ donut Việt có nhiều phiên bản. Phiên bản trong các xóm nghèo ở Sài Gòn thường có phết lớp đường caramel ở ngoài vỏ. Ảnh: TL

Bánh cam, một thứ donut Việt có nhiều phiên bản. Phiên bản trong các xóm nghèo ở Sài Gòn thường có phết lớp đường caramel ở ngoài vỏ. Ảnh: TL

Còn loại “Bánh cam đây mấy anh mấy chị ơi” mà tôi thường gặp trong con hẻm ba xuyệc nhà tôi vỏ còn được phết lên một lớp đường caramel đã thắng vàng. Sau đó mới lăn vào mè. Hương của mè bao giờ cũng quyến rũ. Nó lặn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi qua những miếng ăn. Qua câu chuyện anh chàng tiều phu Alibaba tình cờ ăn cắp được password mở cửa kho tàng của bọn cướp: “Mè ơi! Hãy mở ra”. Và mỗi lần tái ngộ hương mè ấy như thứ bánh ngàn lớp làm bằng bột nhào xếp lớp. Nó ùa về mà ta không tả được gì ngoài hai chữ quyến rũ.
Do bánh được chiên phồng lên nên nhưn ở trong hoàn toàn độc lập thành một khối. Tuy độc lập nhưng không có tự do vì bị tù giam trong vỏ. Bởi vậy mà người ta còn gọi là bánh cam lục cục. Thứ nhưn đậu xanh giả mịn ấy còn được trộn đường và cơm dừa nạo. Vừa béo vừa bùi vừa ngọt một thời thiếu thốn chất béo và chất ngọt làm bọn trẻ đâm ghiền. Rồi ghiền lên con mắt trông ngóng má đi chợ về.
Nhưng bánh cam thuở ấy còn ngon hơn nữa là phải được gói bằng lá chuối. Cũng có khi ăn cái bánh cam không có tiếng rao nao lòng “Bánh cam đây mấy anh mấy chị ơi” dường như thiêu thiếu một cái gì đó làm món bánh kém ngon. Cái tiếng rao bằng một sắc giọng hơi mỏi mệt, hơi trông ngóng, nó đặc thù làm sao. Có khi ăn cái bánh cam mà không phải tiếng rao ấy, ta như bất an. Cũng như nghe một bài nhạc não tình mà không phải bằng chất giọng Thanh Thúy, thì coi như hỏng. Mỗi lần tiếng rao ấy đi ngang nhà, tôi không thể nào thoát được cái cảm giác vừa kể. Bất an vì không biết thân phận của những tiếng rao ấy ngày hôm ấy sẽ như thế nào. Rồi nghĩ, ngày nào cũng nghe tiếng rao, chắc là vẫn tồn tại.
Nhiều thứ bánh đã mất dần. Đã nhạt nhòa đi khỏi đời sống thị dân mà sao nghe chẳng cam lòng. Như những chiếc bánh thuẩn. Chúng luôn luôn ép ta vào trong cái khí quyển mùa xuân. Lúc ấy, lúc của những ngày cuối năm, má đi chợ tết về. Trong giỏ không thể nào thiếu gói bột mì. Hột gà đã có sẵn vì nhà nuôi tới mấy mái đẻ. Rồi má bày tất cả ra sàn bếp. Nào thau và cây lò xo đánh hột gà. Nào lò than của thời đốt chủ yếu bằng bếp dầu hôi. Nào khuôn đồng mỗi năm chỉ xài có giỗ chạp. Má không cho mấy đứa con đánh, vì sợ đánh không đạt tốc độ, trứng bị lì, bánh lúc đổ sẽ không đủ độ nổi. Những chiếc bánh thuẩn mà bọn trẻ cứ nôn nao vào vào ra ra nhà bếp, chờ được phát cho mỗi đứa một cái của lứa bánh đầu. Lứa ấy thường không ngon, vì khuôn chưa ăn lửa. Nhưng lại ngon tuyệt độ với bọn nhỏ. Lại vun trồng bầu tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Để có chút gì để nhớ mai hậu khi lớn lên.
Những thứ quà bánh nhạt nhòa này đến nay vẫn còn đầy đủ trong cái chợ mà quầy hàng rải dọc theo con đường Đoàn Văn Bơ, bắt đầu từ ngã tư Tôn Đản kéo dài về hướng đường Xóm Chiếu. Thật là một cái chợ kỳ dị. Nó tồn tại hằng bao nhiêu năm và hàng hóa bao giờ cũng rẻ hơn bên quận Nhất cách một cây cầu. Chứ không vắn số như chợ quần áo sida ở đường Huỳnh Văn Bánh. Tôi vẫn gọi đó là một thứ “bảo tàng chợ xưa”.
Mọi thứ qua đi. Thơ ấu qua đi. Không ai sướng bằng trăng. Già đó rồi trẻ đó. Lại có lại tuổi thơ. Nhưng dẫu sao, ở một nơi mà mọi vật thì đong cứng lại như bê tông, còn con người thì béo núc ra bằng đường, bằng dầu chiên, bánh cam muốn sống lại như trăng cần phải điều chỉnh độ ngọt. Để lưu giữ cái hồn của món quà quê thời đô thị hóa, béo phì hóa.

Ngữ Yên

No comments:

Post a Comment